iRender trong cuộc chơi điện toán đám mây toàn cầu
Anh Lê Quang Hiếu- CEO của iRender Việt Nam- công ty công nghệ tiên phong tham gia vào cuộc chơi SaaS cho lĩnh vực đồ họa 3D trên nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.
Xu hướng chung về điện toán đám mây của thế giới
Thị trường điện toán đám mây (Cloud Computing) trên thế giới những năm gần đây phát triển bùng nổ và trở thành xu hướng tất yếu cho mọi doanh nghiệp và lĩnh vực.
Theo IDC, gần 50% kinh phí đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp trên thế giới sẽ chi tiêu vào nhu cầu CNTT dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Với tốc độ chung, rất nhanh chóng các dịch vụ SaaS (Software-as-a-Service) dựa trên nền tảng điện toán đám mây sẽ chiếm 60% chi phí chi tiêu cho CNTT vào năm 2020.
Tất nhiên, các nhà cung cấp Saas hàng đầu hiện nay đều của những ông lớn: Amazon AWS, Google Cloud, Microsoft Azure cho phần lớn các dịch vụ công cộng cơ bản. Adobe Creative Cloud, AutoDesk A360-Cloud… cho các dịch vụ đồ họa 3D chuyên biệt.
Điều này cho thấy SaaS chiếm vị trí áp đảo trên thị trường công nghệ phần mềm. Rất nhanh chóng thị trường sẽ chạm mốc 100 tỷ đô toàn cầu từ 70 tỷ đô vào năm 2018. Cơ hội nào cho các công ty Việt Nam tham gia vào miếng bánh điện toán đám mây toàn cầu.
Gần đây, chúng tôi có gặp gỡ với anh Lê Quang Hiếu – CEO của iRender Việt Nam, công ty công nghệ tiên phong tham gia vào cuộc chơi SaaS cho lĩnh vực đồ họa 3D trên nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.
Được biết công ty iRender cung cấp dịch vụ kết xuất đồ họa 3D trên nền tảng điện toán đám mây tiên phong tại thời điểm hiện tại của Việt Nam anh có thể chia sẻ một vài nhận định về khó khăn và thuận lợi khi tham gia thị trường thế giới?
Thị trường Cloud Computing với thị phần hàng trăm tỷ đô mỗi năm, ai cũng nhìn thấy thực sự rất nhiều cơ hội
Tuy nhiên, những cơ hội rõ ràng sẽ chỉ dành cho các ông lớn có sẵn tiềm lực tài chính và lợi thế cạnh tranh đặc biệt ví dụ: Amazon, Google, Microsoft… Trong phần lớn các dịch vụ Cloud công cộng từ cơ bản đến chuyên sâu, muốn thực sự tham gia thị trường thế giới, bạn phải tìm ra 1 lĩnh vực chuyên biệt và làm tốt hơn họ 10 lần. Chiến lược của iRender đi theo hướng này, cung cấp dịch vụ chuyên biệt trong lĩnh vực Cloud Rendering kết xuất đồ họa 3D trên nền tảng điện toán đám mây.
Ngay từ đầu dự án này, mình và team cũng xác định gặp nhiều khó khăn, là doanh nghiệp nhỏ, lại là doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam, mà giữ tham vọng lớn, không khó khăn hơi phí.
Nhưng rất may các bạn trong team không nản, anh em hay động viên nhau mục tiêu cần đạt chỉ làm trong 300 năm là xong, giờ mình muốn làm trong 100 năm thì cố làm gấp 3 là được. Dần dần, việc tập trung và chăm chỉ của team còn hơn cả một đức tính, nó là một dạng trí tuệ, chiến lược của đội ngũ.
May mắn thì dự án cũng xong giai đoạn 1, iRender đã ra bản Beta vào 29/02 vừa rồi, bước đầu thị trường đón nhận khá tốt.
Anh vừa nói đến sự khác biệt, vậy Giải pháp của iRender có gì đặc biệt để cạnh tranh trên thị trường thế giới?
Đó cũng là trăn trở của iRender rất nhiều tháng trước khi bắt đầu, bất kỳ dự án nào theo quan điểm cá nhân của mình cũng có 4 điểm chính: Dung lượng thị trường, Tính khác biệt, Năng lực của đội ngũ, Tính thời điểm. Ngoài ra còn rất nhiều yếu tố phụ nữa…
Mình chỉ nói điểm thứ 2, tính khác biệt của iRender:
Đầu tiên là chi phí về công nghệ:
Phần lớn các việc về công nghệ ngốn chi phí rất lớn để mua bản quyền như: ảo hóa phần cứng, tích hợp nền tảng điện toán đám mây…bên mình đều tự xây dựng và giảm được chi phí cực lớn, cái này nói ra hơi buồn nhưng mà thật, chi phí cho nhân sự công nghệ ở Việt Nam tương đối rẻ với thế giới. Chính vì thế iRender có lợi thế lớn về việc cải tiến sản phẩm liên tục mà vẫn giữ được chi phí tốt.
Chi phí năng lượng:
Việt Nam mình, may mắn quá đến 80% số ngày trong năm là nắng, Render Farm của iRender xây dựng hệ thống điện mặt trời riêng, giá điện giảm xuống là vô cùng đáng kể, nên bên mình có thêm nền tảng bền vững để duy trì giá dịch vụ ở mức thấp về lâu dài với đối thủ trên thế giới. Hiện trạng, giá điện để duy trì hệ thống cùng một hiệu suất, các đối thủ thế giới sẽ phải trả gấp đôi so với iRender.
Chiến lược tập trung chiều sâu:
Phần lớn các đối thủ cạnh tranh phủ một mảng tương đối rộng cho các nền tảng phát triển đồ họa 3D, khoảng 30 đầu mục chính, họ tuy mạnh nhưng dàn trải. Ở iRender, mình nói với team: “Người ta thường lên kế hoạch cho những việc mình làm, nhưng quan trọng không kém phải lên kế hoạch cho những việc mình không làm nữa!”, nên mọi người đều giữ được tập trung cần thiết để đi đủ sâu cho 1 dịch vụ, cụ thể hiện tại:
Trong năm nay mình chỉ đặt mục tiêu hỗ trợ tốt nhóm khách hàng là: Họa sỹ hoạt hình, kiến trúc sư, và game dùng Blender, 3DsMax, Maya, SketchUp, C4D, Houdini. Mục tiêu trong năm 2020, iRender sẽ là Cloud Rendering tốt nhất về Blender trên thế giới.
Anh có thể chia sẻ định hướng tiếp theo của iRender?
Tiếp theo, iRender sẽ phát triển theo 2 hướng. Chiều rộng về quy mô, bên mình sẽ phát triển để thành một nền tảng kết nối và chia sẻ hiệu suất máy tính, ví dụ, bạn có máy tính đủ mạnh và rảnh, bạn có thể cài đặt app kết nối máy tính của bạn vào nền tảng chia sẻ hiệu suất máy tính của iRender, máy của bạn sẽ là 1 node hiệu suất và được chia sẻ doanh thu khi iRender sử dụng, bạn cứ tưởng tượng iRender làm mô hình của Uber về hiệu suất máy tính cho dễ hình dung. Nếu thành công, iRender sẽ giải được bài toán không phải đầu tư vốn lớn để xây dựng Render Farm nhưng vẫn đủ năng lực hiệu suất để cung cấp ra thị trường thế giới.
Còn về chiều sâu, vì có lợi thế hàng ngày render hằng nghìn jobs cho khách hàng, có điều kiện về đa dạng dữ liệu (data), iRender sẽ từng bước dựng mô hình, ứng dụng Machine Learning vào việc cá nhân hóa trải nghiệm tối ưu công việc cho khách hàng.
Nguồn tham khảo: https://cafebiz.vn/